Đâu là những xu hướng công nghệ hàng đầu đang định hình lại ngành công nghiệp thời trang từ năm 2021 trở đi? Các nhà thiết kế và thương hiệu đang áp dụng những công nghệ mới nhất vào chuỗi cung ứng thời trang như thế nào?
Tại sao công nghệ nâng đỡ thời trang?
Thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới, ước tính doanh thu mang lại khoảng 1,5 nghìn tỷ đô la/năm. Thật ngạc nhiên khi biết rằng cách thức hoạt động của một số phân khúc trong thời trang ngày nay không thay đổi nhiều trong 20 năm qua.
Điều này một phần là do: thay vì đầu tư vào bất kỳ chi phí sản xuất đắt đỏ nào thì các công ty, doanh nghiệp thời trang vẫn có thể dễ dàng tìm được nguồn lao động thủ công giá rẻ ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, với những lo ngại ngày càng tăng về mức lương, mức độ ô nhiễm môi trường, cũng như nhu cầu thỏa mãn người tiêu dùng thời đại siêu-kết-nối, ngành thời trang xưa cũ đang từng bước phải nhường chỗ cho sự xuất hiện của các công nghệ hiện đại, mới mẻ và thú vị.
Có rất nhiều dẫn chứng cho việc chúng ta đang sống trong một thời đại của công nghệ. Không có gì ngạc nhiên khi các phương tiện truyền thông xã hội đang thay đổi cách con người tiêu dùng thời trang và khuyến khích mong muốn được tiếp cận ngay lập tức với các xu hướng mới nhất của khách hàng, thậm chí có thể cùng lúc với thời điểm sản phẩm xuất hiện trên sàn diễn.
Bên cạnh đó, thế hệ trẻ, những người luôn luôn tìm kiếm những cách thức để trở nên nổi bật giữa đám đông, cũng đang tác động mạnh mẽ vào quá trình tìm kiếm các sản phẩm độc bản và giới hạn phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân của họ. Điều này khiến cho xu hướng quần áo “đại trà”, hay “thời trang nhanh”, đang dần mất đi sức hút.
Khi xu hướng tiếp tục gia tăng, công ty và thương hiệu sẽ trở nên “mong manh” trước rủi ro nếu cứ tiếp tục sản xuất trước hàng tháng trời với một số lượng lớn hàng may mặc mà không kiểm soát khả năng bán được của chúng. Những thương hiệu bắt kịp tốc độ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường sẽ là những người chiến thắng trong cuộc đua hiện đại đang thay đổi rất nhanh này.
Ngoài ra, khi những giá trị ảo đang dần trở thành cuộc sống thực, khách hàng sẽ ngày càng trở nên gắn bó với thế giới kỹ thuật số. Nhiều nhà thiết kế và thương hiệu biết rằng họ phải nắm lấy các công nghệ mới để đẩy lùi giới hạn về khả năng sáng tạo, sản xuất, tiếp thị và phục vụ khách hàng. Từ sự bùng nổ của thương mại điện tử đến trí tuệ nhân tạo, thậm chí công nghệ 3D và thực tế ảo,… L’OFFICIEL Vietnam đã tổng hợp cho bạn một số công nghệ nổi bật đang được ứng dụng hàng đầu trong thế giới thời trang hiện nay.
1. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trong những năm gần đây, các thương hiệu đã và đang sử dụng công nghệ AI nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, phân tích dữ liệu, thúc đẩy doanh số và dự báo xu hướng.
Chatbots (công nghệ trả lời tự động) và màn hình cảm ứng đang được sử dụng trong các cửa hàng để cải thiện chất lượng phục vụ, thậm chí có thể tự đề xuất các sản phẩm thiết kế riêng cho từng khách hàng. Ngày nay, gần như chúng ta không thể tìm thấy một trang web thương hiệu nào không sử dụng công nghệ chatbots bằng AI để giải đáp thắc mắc của khách hàng 24/7.
Mặc dù dịch vụ chăm sóc khách hàng luôn có những cải tiến đầy hứa hẹn, nhưng xu hướng quản lý chuỗi cung ứng sẽ là một trong những con đường mang lại lợi nhuận cao nhất cho AI. Đằng sau AI là hàng loạt thuật toán theo dõi hành trình của khách hàng để so sánh và kết nối họ với sản phẩm phù hợp. Việc công nghệ AI tự cập nhật hàng tồn kho theo thời gian thực cũng đã trở thành chìa khóa cho các thương hiệu vì nhờ thế, họ có thể quản lý và vận hành kho một cách hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiều thời gian hơn.
Hơn nữa, nếu chúng ta kết hợp khả năng theo dõi đối tượng quảng cáo với các công cụ dự đoán dữ liệu mạnh mẽ của AI để dự báo xu hướng, các thương hiệu sẽ có được lợi thế cạnh tranh đáng kể. Thay vì chỉ dựa vào các cách dự báo xu hướng truyền thống đòi hỏi sự quan sát và thu thập dữ liệu từ các nhà thiết kế thời trang, những người phát hiện xu hướng và những người có ảnh hưởng, các thương hiệu có thể ngay lập tức truy cập vào vùng dữ liệu cho phép để lập kế hoạch sản xuất theo đúng kiểu dáng và số lượng kịp thời
Từ các sự kiện vật lý đến hoạt động trực tuyến, đến các hoạt động mua sắm online chiếm lĩnh thị trường thời trang năm 2021, đa phần đều là hệ quả của từ động của đại dịch Covid-19. Lấy ví dụ, nhãn hiệu thời trang Anh, FINERY, đã đưa ra một công cụ gợi ý tự động cho tủ quần áo thông qua những công nghệ ghi lại và phân tích thói quen mua sắm của khách hàng nữ để giới thiệu cho họ một tủ quần áo ảo. Nền tảng này cũng cho phép khách hàng nữ phối đồ với những sản phẩm từ hơn 10.000 cửa hàng và tích hợp vào tủ quần áo của họ.
Trong khi đó, nền tảng cá nhân hóa TRUEFIT cũng đã sử dụng công nghệ trực tuyến để giúp người dùng tìm ra các được thương hiệu phù hợp với phong cách cá nhân cũng như cập nhật xu hướng mới nhất trên thị trường. Một ví dụ thú vị khác là nền tảng tìm kiếm dựa trên AI của kênh mua sắm trực tuyến Taobao từ lâu đã cho phép người dùng tìm kiếm bằng hình ảnh, điều hướng người dùng tới những sản phẩm phù hợp với các mức giá, địa điểm mua hay những yếu tố khác biệt khác của sản phẩm trên trang đặt hàng trực tuyến của mình.
2. Công nghệ chế tạo các loại vải mới
Có rất nhiều loại vải mới được cho là tương lai của thời trang, giúp các nhà thiết kế tạo ra sự khác biệt và hấp dẫn cho sản phẩm của mình.
Mặc dù nhiều người cho rằng da tự nhiên không phải là một lựa chọn bền vững trong thời trang. Các công ty khởi nghiệp như Modern Meadow đang chống lại xu hướng sử dụng da nhiên bằng cách sản xuất ra các loại da từ trong phòng thí nghiệm và không gây hại cho động vật. Tương tự, công ty Bolt Threads và công ty EntoGenetics cũng đang cải tiến một loại tơ nhện siêu bền để có thể dệt thành vải.
Người hâm mộ Google cũng có thể sớm được mặc quần áo do “gã khổng lồ” công nghệ kỹ thuật số này sản xuất. Dự án Jacquard trong phòng thí nghiệm ATAP của Google là một nghiên cứu tập hợp các sợi dẫn điện để dệt thành vải và sản xuất thành quần áo, khăn trải bàn, thảm,… Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đang phát triển công nghệ vải có thể thay đổi màu sắc, được lập trình để thay đổi màu theo tâm trạng hoặc khung cảnh của người mặc. Các loại vải mới này sẽ có thể “định hình” lại thế giới quần áo mà chúng ta mặc hàng ngày theo đúng nghĩa đen.
3. Công nghệ In 3D
Kể từ khi máy in 3D ra đời, rất nhiều thương hiệu thời trang cả lớn lẫn nhỏ đã xem xét khả năng sản xuất hàng hoá và tạo ra những hướng phát triển mới cho thời trang bền vững và sáng tạo. Nhiều thương hiệu đã đưa công nghệ 3D vào các bộ sưu tập từ phụ kiện đến đầy đủ một tủ quần áo.
Mặc dù thực tế là phải mất rất nhiều giờ để tạo ra một sản phẩm bằng công nghệ 3D, nhưng phương thức sản xuất này có ảnh hưởng tích cực nhờ tạo ra chất thải hơn và sử dụng ít lao động hơn so với các phương thức sản xuất khác. Việc in hàng may mặc theo yêu cầu giúp giảm lượng vải phế thải đến khoảng 35%.
Một trong những người đi đầu trong lĩnh vực in 3D trong thời trang cao cấp chính là nhà thiết kế Iris van Herpen và thương hiệu cùng tên của cô. Nhà thiết kế người Hà Lan đã có rất nhiều bộ sưu tập nổi bật được in bằng 3D từ năm 2010 đến nay. Herpen có lẽ là nhà thiết kế duy nhất trình diễn các tác phẩm tạo nên bằng công nghệ in 3D đầy phức tạp tại các tuần lễ thời trang Haute Couture danh giá.
4. Blockchain
Blockchain là một công cụ tuyệt vời để truy xuất nguồn gốc và tối ưu hóa dữ liệu trong chuỗi cung ứng. Công nghệ này cho phép tất cả các nhân tố trong quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm, từ các nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng, đến các trung gian cung cấp và phân phối khác, được kết nối và trao đổi thông tin, tài liệu và dữ liệu một cách trực tiếp và an toàn.
Blockchain trước đây chủ yếu được sử dụng cho tiền kỹ thuật số. Nhưng ngày này, công nghệ này đã mở rộng tính ứng dụng của mình để áp dụng cho lĩnh vực thời trang – theo dõi và lưu trữ mọi thông tin về chuỗi sản xuất và cung ứng quần áo thông qua công nghệ tự động theo dõi, quản lý và cập nhật hàng tồn kho. Giải pháp blockchain tạo ra một liên kết vật lý – kỹ thuật giữa các sản phẩm và một số sê-ri hoạt động như một nhận dạng của riêng sản phẩm đó. Mỗi khi một sản phẩm di chuyển trong chuỗi cung ứng, nó sẽ được ghi lại trên blockchain. Điều này có thể ngăn chặn nạn hàng giả và giúp các nhà điều hành trong thế giới thời trang theo dõi mọi hoạt động của hàng hóa tốt hơn.
Điều này về lâu dài sẽ giúp cho chuỗi cung ứng trở nên rõ ràng, minh bạch và khuyến khích thị trường tiêu dùng hướng đến sự bền vững.
5. Thực tế ảo (VR) và Thực tế ảo tăng cường (AR)
Kết hợp thế giới bán lẻ trực tuyến và vật lý là một trong những ứng dụng thú vị nhất của công nghệ thực tế ảo. Điều này chắc chắn đúng trong ngành thời trang, vì một trong những ứng dụng rộng rãi của VR là cho phép khách hàng thử trang phục ảo. Công nghệ này mang lại một khía cạnh hoàn toàn mới cho người mua sắm thời trang – cơ thể của họ được nhận diện thông qua chức năng đo lường kích thước ảo (virtual size) đem lại độ chính xác cao và cảm giác đã “dùng thử” sản phẩm trước khi quyết định mua, dẫn đến kết quả là người tiêu dùng sẽ sẵn lòng để “móc hầu bao” nhiều hơn.
Loại trải nghiệm mua sắm trực tuyến này thu hút và giữ chân khách hàng lâu vì họ thích tự mình nhìn thấy sản phẩm trước khi mua. Điều này kết hợp với khả năng có thể chia sẻ trên mạng xã hội lại càng làm trải nghiệm trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng. Một số thương hiệu như Tommy Hilfiger và Gucci thậm chí còn cung cấp thử các phòng trưng bày kỹ thuật số để đánh giá “cơn khát” của thị trường.
Công nghệ AR / VR đã cải thiện đáng kể quy trình sản xuất thời trang tốn kém và lâu dài. Chúng sẽ tự nhận định các thành phần thiết yếu của một thiết kế, biến đổi thành dạng mô phỏng 3D và cho phép nhà sản xuất nhanh chóng thực hiện tất cả các điều chỉnh thông số cần thiết trước khi sản xuất hàng loạt, nhờ đó giúp cải thiện chất lượng ngay trong quá trình phát triển và giảm thiểu sự lãng phí.
Nguồn: Lofficielvietnam