Công nghệ và robot sẽ làm thay đổi ngành thời trang?

Dù là trong sản xuất dệt may, tạo ra xu hướng hay thương mại điện tử, ngành công nghiệp thời trang vẫn luôn là người đi tiên phong trong việc đổi mới công nghệ…

Theo FashionUnited, ngành công nghiệp thời trang là một ngành kinh doanh khổng lồ đang đóng góp khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và ước tính đạt 3.000 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2030. Thế nên chẳng có gì lạ khi những lĩnh vực đi đầu thường kết hợp với nhau, ví dụ như thời trang và công nghệ.

Đồng thời, theo McKinsey, 20% thương hiệu thời trang hàng đầu toàn cầu đang tạo ra 144% lợi nhuận toàn ngành. Điều này có nghĩa là, bất kỳ thương hiệu thời trang nào dù là lớn hay nhỏ, cũng phải tranh đấu cho vị trí trong top 20% kia để có thể đảm bảo việc kinh doanh tạo ra lợi nhuận và có lãi.

Công nghệ và robot sẽ làm thay đổi ngành thời trang

 Những nhà thiết kế AI

Ở lĩnh vực thời trang, công nghệ trở thành đối tác trong thiết kế đã là xu hướng từ lâu. AI có tiềm năng hỗ trợ các thương hiệu cũng như các nhà bán lẻ trong việc dự đoán xu hướng hay dự báo bán hàng. Nhiều nhà thiết kế thời trang cũng như các nhà bán lẻ đang sử dụng AI để nhận biết những gì đang “hot” và hợp thời trang. Từ thiết kế trang phục, bắt kịp xu hướng hay bảo mật bản quyền, và AI đang sẵn sàng để lập trình lại ngành công nghiệp thời trang.

Bắt đầu từ thiết kế, những “nhà thiết kế” trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp những hãng thời trang nhanh chóng rút ngắn thời gian thiết kế từ vài tháng đến vài năm xuống còn vài ngày, thậm chí theo thời gian thực. Không chỉ vậy, AI giúp các thương hiệu thời trang thực hiện phân tích thiết kế có khả thi hay không cũng như ước tính về chi phí, thời gian sản xuất từ nhiều nguồn dữ liệu mà các hãng đưa vào.

Ví dụ, Google và Zalando thực hiện đào tạo AI thành một mạng lưới thần kinh để hiểu màu sắc, kết cấu, sở thích phong cách và nhiều “thông số thẩm mỹ” từ nhiều báo cáo thời trang. Từ đó, AI sẽ tạo ra thiết kế dựa trên sở thích của từng khách hàng, đồng thời phù hợp phong cách được cộng đồng công nhận. Hay như ở Amazon, AI và học máy có khả năng đánh giá xem một mặt hàng có “sành điệu”, hợp với xu hướng hay không.

Adidas hợp tác với công ty thiết kế và in 3D Carbon để phát hành 4DFWD.

Vào năm 2019, một “nhà thiết kế” AI có tên DeepVogue đã đứng thứ hai chung cuộc và giành được giải thưởng sự lựa chọn của khách hàng tại cuộc thi Sáng tạo thiết kế thời trang quốc tế của Trung Quốc. Hệ thống được thiết kế bởi công ty công nghệ Shenlan Technology có trụ sở tại Trung Quốc, sử dụng học sâu (deep learning) để tạo ra các thiết kế ban đầu được vẽ từ hình ảnh với chủ đề và từ khóa được nhập bởi các nhà thiết kế.

Không chỉ AI đang thay đổi cách và tốc độ sản xuất thời trang, in 3D cũng vậy. Trong lĩnh vực giày dép thời trang, in 3D đã giúp các doanh nghiệp thay đổi về cơ bản cách sản xuất giày, trong đó có việc loại bỏ hoàn toàn khuôn, thứ mà từ trước tới nay, nó là một phần không thể thiếu trong ngành này. In 3D cũng có khả năng tùy chỉnh giày phù hợp với từng cá nhân, tăng nhanh tốc độ sản xuất và bổ sung các đặc tính chuyên biệt. Các đặc tính đó nếu không có in 3D thì gần như không thể làm được.

Điển hình, Adidas hợp tác với công ty thiết kế và in 3D Carbon để phát hành 4DFWD, một đôi giày chạy bộ giúp con người di chuyển về phía trước khi chân chạm đất. Đặc biệt, thương hiệu may mặc chuyên nghiệp Performance đã tiết lộ một máy in 3D trong cửa hàng để tạo ra quần áo dệt kim tùy chỉnh, có thể sản xuất áo khoác tùy chỉnh chỉ trong 90 phút. Họ cũng tiết lộ in 3D quần áo giúp giảm lượng vải phế thải trong sản xuất khoảng 35%.

Không gì là không thể

Ngoài AI, robot cũng giúp cho việc sản xuất thời trang nhanh và nhiều hơn nhiều so với con người, thậm chí còn giảm sâu chi phí sản xuất của các hãng thời trang mới. Những robot đời mới có cơ tổng hợp mô phỏng chuyển động giống như cơ bắp con người. Các robot may vá của công ty Sewbot sử dụng máy ảnh chuyên dụng và phần mềm thị giác máy tính để theo dõi các sợi riêng lẻ với tốc độ 1.000 khung hình/giây. Kết quả là công ty này đã giảm chi phí sản xuất áo phông của một nhà cung cấp xuống chỉ còn 0,33 USD/chiếc.

Nhiều nhà bán lẻ đang sử dụng AI để nhận biết những gì đang “hot” và hợp thời trang. Từ thiết kế trang phục, bắt kịp xu hướng hay bảo mật bản quyền, và AI đang sẵn sàng để lập trình lại ngành công nghiệp thời trang.

Các công ty thời trang và công nghệ, bao gồm Siemens của Đức và Levi’s của Mỹ, đang âm thầm phát triển một loại robot có thể thay thế con người để may quần jean. Thách thức lớn nhất đối với robot hiện nay là nó không thể xử lý các loại vải mềm khéo léo như bàn tay con người. Để khắc phục điều này, giải pháp được đưa ra là đưa hóa chất làm cứng vào vải denim, loại vải sử dụng may quần jean.

“Hàng may mặc là ngành công nghiệp trị giá nghìn tỉ đô la Mỹ cuối cùng vẫn chưa được tự động hóa. Ý tưởng sử dụng robot để đưa nhiều hoạt động sản xuất may mặc từ nước ngoài trở về Mỹ đã có thêm động lực trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng tắc nghẽn, làm nổi bật những rủi ro khi phụ thuộc vào các nhà máy ở xa”, Eugen Solowjow, người đứng đầu một dự án tại phòng thí nghiệm của Siemens ở TP. San Francisco (Mỹ), cho biết. Phòng thí nghiệm này đã nghiên cứu sản xuất áo quần tự động kể từ năm 2018.

Các robot may vá của công ty Sewbot đã giảm chi phí sản xuất áo phông của một nhà cung cấp xuống chỉ còn 0,33 USD/chiếc.

Gấp quần áo cũng là một công đoạn tốn thời gian và nhân công trong cuỗi cung ứng hàng dệt may, đó có lẽ là lý do mà nhiều nhà khoa học đang tìm mọi cách để tạo ra những cỗ máy gấp đồ tự động. Và các nhà nghiên cứu tại AutoLab thuộc Đại học California ở Berkeley đã phát triển một robot sử dụng phương pháp mới để gấp quần áo với tốc độ kỷ lục được gọi là SpeedFolding. Sử dụng thị giác máy cùng một cặp cánh tay robot công nghiệp, SpeedFolding có thể gấp 30–40 quần áo được sắp xếp ngẫu nhiên mỗi giờ.

Trung bình, nó thường hoàn thành việc gấp mỗi chiếc trong vòng hai phút. Mặc dù quãng thời gian đó nghe có vẻ không ấn tượng lắm so với con người, nhưng các phương pháp gấp quần áo bằng robot trước đây chỉ đạt từ 3 tới 6 lượt gấp mỗi giờ. Nên nhớ rằng đây là các mẫu quần áo được xếp ngẫu nhiên, thậm chí được vo lại thành cục, chứ không phải những chiếc áo thun nằm thẳng góc sẵn trên bàn.

Kết luận

Theo Github, dĩ nhiên, tình trạng mất việc hàng loạt do công nghệ hóa không xảy ra một sớm một chiều song xu hướng “robot hóa” thực chất đang diễn ra. Trong đó, hầu hết công đoạn trong quy trình may mặc đã được tự động hóa, từ chọn nút đến cắt vải. Một số máy móc chuyên biệt còn có thể khâu túi. Dù chưa có một robot thương mại nào đủ khả năng xâu chuỗi tất cả các khâu với đủ loại vải vóc, kim chỉ… để làm ra một cái áo hay cái quần hoàn chỉnh nhưng với đà tiến của công nghệ hiện nay, không gì là không thể.

Xem thêm về: Vải NanoTex – Chất liệu công nghệ thông minh

Nguồn: Tạp chí điện tử VnEconomy

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận